Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ngày 12/5, các đại biểu tham dự hội nghị đã đi thực địa tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury tham dự buổi thực địa.
Rừng ngập mặn Cần Giờ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 40km nằm về phía Đông Nam, với hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng. Trong chiến tranh, đã có hàng triệu lít hóa chất và nhiều bom đạn được rải xuống làm cho rừng ngập mặn Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương và các vùng lân cận.
Sau 39 năm khôi phục, bảo vệ và phát triển, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trở nên phong phú, đa dạng và đem lại nhiều hiệu quả to lớn trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế địa phương. Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO/MAB công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới; được công nhận là khu rừng trồng phục hồi đẹp nhất Đông Nam Á và được ví như “lá phổi xanh” của Thành phố với mật độ che phủ rừng đến năm 2016 khoảng 48,1%.
Nơi dừng chân đầu tiên của các đại biểu là cầu Dần Xây (xã Long Hòa). Đây là khu vực dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy triều, thường xuyên bị ngập do nước dâng, triều cường và các vụ sạt lở.
Tại khu quy hoạch Công viên văn hóa Rừng Sác, thị trấn Cần Thạnh, đại diện các nước đã tham gia trồng bàng vuông. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây được ví như rừng cây IPU.
Phát biểu tại lễ trồng cây, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh: Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là một cuộc đối thoại, mà còn là sự thể hiện hành động của mỗi người với tư cách là đại biểu Quốc hội, để đối mặt với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức của thời đại.
Các đại biểu quốc tế, các nhà lãnh đạo Quốc hội, nghị viện các nước có mặt tại lễ trồng cây đã được tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng của biến đối khí hậu và cộng đồng dân cư ở huyện Cần Giờ tại TP Hồ Chí Minh đã phải di chuyển nơi ở, thay đổi cuộc sống của mình.
Chủ tịch IPU lấy ví dụ là đất nước Bangladesh có diện tích bằng 50.000 dặm vuông, nhưng hằng năm trên thế giới con người cũng đã đốn hạ khoảng 50.000 dặm vuông cây xanh. Nói cách khác, mỗi năm con người hủy hoại diện tích cây xanh bằng diện tích rừng của đất nước Bangladesh. Hành động này chính là hủy hoại tương lai của chúng ta. Vì thế, việc trồng cây xanh chính là đầu tư cho tương lai của cuộc sống con người, làm giàu thêm hệ sinh thái, giúp làm giảm khí CO2, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
“Tôi mong rằng, mỗi đại biểu sau khi kết thúc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”, trở về đất nước mình, với tư cách là đại biểu Quốc hội, nghị sĩ, sẽ tích cực tham gia sự nghiệp trồng cây xanh đạt kết quả tốt nhất.
Tại lễ phát động trồng cây xanh, thay mặt Ban Tổ chức IPU và các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury trân trọng cảm ơn Thành ủy, UBND, HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm và ý thức, trách nhiệm đối với tương lai và sự cam kết không chỉ đối với nhân dân của mỗi địa phương, quốc gia, mà còn cả nhân loại toàn cầu./.
Thông tin khác
- » Vai trò của Rừng với biến đổi khí hậu (06.05.2017)
- » Rừng gỗ trắc độc nhất vô nhị ở Việt Nam kêu cứu (06.05.2017)
- » Thương lái Trung Quốc gom gỗ trắc giá 10 triệu/kg (06.05.2017)
- » Tìm hiểu về gỗ trắc đỏ. (06.05.2017)
- » Cận cảnh cây sưa 50 tỷ trong vụ đánh nhau chảy máu đầu tại cuộc họp ở Bắc Ninh (16.12.2016)
- » Hơn 1.000 tỷ đồng giảm ô nhiễm cho bãi rác Đa Phước (21.11.2016)
- » Đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ rừng (17.12.2015)
- » Biến đổi khí hậu gây khó khăn cho lâm nghiệp (17.12.2015)