Chợ gỗ Đồng Kị, nhiều cửa hàng treo biển hiệu có chữ Trung Quốc song song cùng chữ Việt.
Bán gỗ bằng... cân
Dạo qua khu chợ gỗ Đồng Kị, chúng tôi nhận thấy mặt hàng bày bán duy nhất là gỗ và chỉ bán hai loại gỗ quý là gỗ hương và gỗ trắc. Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các ki ốt, cửa hàng tại chợ gỗ Đồng Kị đều đặt từ 1 đến 2 chiếc cân đồng hồ.
Tại chợ gỗ Đồng Kị, những chiếc cân được đặt ở cửa hàng, ki ốt dùng để cân gỗ trắc. Và chỉ dùng để cân gỗ trắc, còn riêng gỗ hương vẫn bán theo tấm như những loại gỗ khác. Anh Trần Minh Qúy, một người bốc vác thuê ở chợ gỗ Đồng Kị cho biết: “Nguyên nhân các tiểu thương bán bằng cân vì gỗ trắc quý nên không thể bỏ đi một mẩu gỗ, cho dù nhỏ bằng ngón tay. Khi bán bằng cân, các tiểu thương có thể bán được từ những mẩu gỗ nhỏ bằng ngón tay cho đến những thanh gỗ to”.
Anh Qúy cho biết thêm: Đối với gỗ trắc người ta không bỏ đi bất cứ một thứ gì. Đến mùn cưa từ gỗ trắc các tiểu thương cũng có thể bán được 7.000 đồng/kg. Điều này cho thấy gỗ trắc quý như thế nào.
Dù gỗ to hay nhỏ đều được tính bằng cân. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại gỗ trắc bình thường bán 100.000 đồng/kg, còn những loại đẹp được có giá lên đến 10 triệu đồng/kg. Để khẳng định giá trị của gỗ trắc, anh Nguyễn Văn Dũng, một người chuyên bốc vác thuê ở chợ gỗ Đông Kị cho biết: “Có thời gian gỗ trắc lên đến 10 triệu đồng/kg, nhìn xe trở gỗ nhỏ thôi nhưng cũng giá trị lên đến tiền tỷ rồi”.
Phụ thuộc thương lái Trung Quốc
Theo quan sát của chúng tôi, ở chợ gỗ Đồng Kị, nhiều biển hiệu có chữ Trung Quốc to hơn cả chữ Việt. Giải thích hiện tượng này, một chủ cửa hàng bán gỗ trong chợ Đồng Kị cho biết: “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là thương lái Trung Quốc để họ hiểu nên trên các tấm biển của cửa hàng đều có chữ Trung Quốc được viết song song cùng với chữ Việt”.
Anh Nguyễn Văn Dũng, dân chuyên bốc vác ở chợ gỗ Đồng Kị cho biết: “Hai năm gần đây thương lái Trung Quốc sang rất nhiều, có thương lái còn thuê nhà và mở xưởng để sơ chế gỗ ngay tại chỗ”.
Từ sáng sớm cho đến tối, tại chợ gỗ, xưởng xẻ gỗ ở Đồng Kị, thương lái Trung Quốc thu mua đông nghịt. Có từ 7-8 nhóm người thu gom cho thương lái Trung Quốc, mỗi nhóm có từ 5-8 người, toàn là phụ nữ. Những người này đi khắp chợ để tìm ván gỗ, khối gỗ đẹp để mua rồi tập hợp về kho hàng đã được thuê ngay tại địa phương. Đặc biệt, những thanh gỗ trắc đẹp được thương lái mua về sau đó sơ chế thành những sản phẩm mỹ nghệ.
Theo anh Trần Văn Tuấn, tiểu thương bán gỗ ở chợ Đồng Kị, do không thể xuất khẩu được gỗ trắc nên thương lái Trung Quốc mua những khúc gỗ trắc đẹp về sơ chế thành bàn, ghế sau đó xuất khẩu về Trung Quốc”.
Một số tiểu thương ở chợ Đồng Kị giải thích, nguyên nhân thương lái Trung Quốc mua nhiều gỗ trắc của Viêt Nam là vì: Gỗ trắc theo người Trung Quốc có chữ Thiên nên họ thích sử dụng loại gỗ này để đóng đồ thủ công mỹ ghệ. Ngoài ra, theo một số tiểu thương trong gỗ trắc có chất quý nên thương lái Trung Quốc thu mua về”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tiểu thương của Việt Nam thu mua gỗ từ Tây Ninh, Lào, Campuchia, sau đó mang về chợ gỗ Đồng Kị bán cho thương lái Trung Quốc. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, tiểu thương ở chợ gỗ Đồng Kị cho biết: “Gỗ ở chợ chủ yếu là bán cho thương lái Trung Quốc còn mua để làm gì cũng không ai biết được. Đến ngay cả các tiểu thương của Việt Nam, chuyên làm ăn với thương lái của Trung Quốc nhưng cũng không biết họ mua về để làm gì”.
Anh Tuấn cho biết thêm: “Trước kia thương lái Trung Quốc thu mua gỗ về và thuê người Việt Nam sơ chế nhưng gần đây họ đưa người sang và mở xưởng sơ chế thành đồ thủ công mỹ nghệ tại Từ Sơn rồi thuê doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép vận chuyển về Trung Quốc”.
Hiện để bán gỗ cho thương lái Trung Quốc, nhiều tiểu thương tại chợ gỗ Đồng Kị đã tích gỗ trắc trong nhà có giá trị lên đến tiền tỷ. Anh Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: “Ở đây nhiều nhà buôn gỗ bỏ ra số vốn lên đến 500 tỷ. Bây giờ thương lái Trung Quốc chỉ cần ngừng thu mua là nhiều người mất nhà vì gỗ”.
Thông tin khác
- » Tìm hiểu về gỗ trắc đỏ. (06.05.2017)
- » Cận cảnh cây sưa 50 tỷ trong vụ đánh nhau chảy máu đầu tại cuộc họp ở Bắc Ninh (16.12.2016)
- » Hơn 1.000 tỷ đồng giảm ô nhiễm cho bãi rác Đa Phước (21.11.2016)
- » Đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ rừng (17.12.2015)
- » Biến đổi khí hậu gây khó khăn cho lâm nghiệp (17.12.2015)
- » Tỷ lệ cây lâm nghiệp và cây lâu năm tại Bình Dương đạt 57% (17.12.2015)
- » Đưa mảng xanh vào sân trường (17.12.2015)
- » Trồng 10.500 cây xanh tại di tích đường Hồ Chí Minh trên biển (17.12.2015)